TÌNH HÌNH THU HÚT VỐN TƯ NƯỚC NGOÀI VÀO TỈNH ĐẮK LẮK - TIỀM NĂNG VÀ SỰ MONG ĐỢI
Cập nhật lúc: 08/01/2015 104
Bà Châu Thị Hồng Mai - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Đắk Lắk
Số điện thoại: 0905055124
Địa chỉ email: hongmai0907@gmail.com
Tính đến 22/10/2024
Sở Ngoại vụ Tỉnh Đắk Lắk phát sinh 05 hồ sơ TTHC và đã trả kết quả trước hạn.
(tự động cập nhật vào lúc 00:00:00, 22/10/2024)
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Cập nhật lúc: 08/01/2015 104
Đắk Lắk là tỉnh ở trung tâm Tây Nguyên, còn nhiều khó khăn, nhu cầu đầu tư lớn, tỉnh đặc biệt chú trọng việc thu hút các nguồn viện trợ nước ngoài, đặc biệt là vốn FDI, vốn viện trợ ODA và NGO. Thời gian qua, tỉnh đã tiếp cận các nhà tài trợ theo hướng chủ động hơn; số lượng các dự án và tính đa dạng về lĩnh vực tài trợ tăng lên rõ rệt.
Về vốn hỗ trợ phát triển chính thức, giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã vận động 45 dự án ODA với tổng mức đầu tư 350 triệu USD với nhiều nhà tài trợ, tập trung vào lĩnh vực hạ tầng, giáo dục và y tế, xóa đói giảm nghèo. Kết quả đã vận động thành công 15 dự án với tổng mức đầu tư hơn 150 triệu USD. Tính đến nay, tỉnh đã và đang tiếp nhận 74 chương trình, dự án ODA với tổng vốn đầu tư toàn dự án là 257,4 triệu USD (vốn ODA là 196,6 triệu USD) chủ yếu từ các nhà tài trợ ADB, JICA, Danida, Kuwait, WB, KOICA… Các dự án ODA đang triển khai đã góp phần vào việc cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực và xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Về viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (NGO), giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã tiếp nhận 12 dự án và 19 khoản viện trợ phi dự án với tổng vốn 19,9 triệu USD. So với các giai đoạn trước, lĩnh vực tài trợ của các tổ chức phi chính phủ không biến động nhiều nhưng quy mô tài trợ và số lượng dự án tăng lên đáng kể. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 15 tổ chức phi Chính phủ đang hoạt động (thông qua 16 khoản viện trợ dành cho dự án và các khoản viện trợ phi dự án) với tổng giá trị toàn dự án là 17,2 triệu USD. Đặc biệt trong giai đoạn này đã vận động thành công 01 dự án với quy mô tài trợ lớn từ tổ chức AP/Mỹ (Tổng giá trị toàn dự án là 13 triệu USD, địa phương đối ứng 50%, tương đương 6,5 triệu USD)
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, trên toàn tỉnh hiện có 10 dự án FDI đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư đăng ký 173,7 triệu USD đến từ các nhà đầu tư của Anh, Pháp, Nhật, Hà Lan, Singapore và Thái Lan và Trung Quốc; thuộc các lĩnh vực chế biến nông sản, sơ chế thức ăn gia súc, sản xuất nhiên liệu sinh học, trồng hoa xuất khẩu … Tốc độ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian qua nhìn chung còn thấp so với nhu cầu phát triển của địa phương; chất lượng, hiệu quả thu hút thấp; hiệu quả kinh tế - xã hội của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế. Lĩnh vực đầu tư của các dự án nước ngoài chủ yếu là sơ chế nông lâm sản, các sản phẩm của khu vực này còn đơn điệu, chưa tạo được giá trị tăng thêm cho sản phẩm.
Nhìn chung, tình hình thu hút vốn nước ngoài vào tỉnh có bước chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; công tác vận động, thu hút viện trợ có nhiều tiến bộ cả về nội dung và hình thức. Hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước được mở rộng đã góp phần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học, trao đổi thông tin, nhất là trên một số lĩnh vực như: y tế, du lịch…, các thỏa thuận hợp tác tăng lên về số lượng và đa dạng về đối tác.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thực hiện theo đúng tiến độ Hiệp định cam kết về ODA đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng mục tiêu để đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư. Đồng thời, tranh thủ nguồn vốn ODA và các nguồn vốn vay ưu đãi khác cho phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, bền vững, hiện đại, đáp ứng các yêu cầu phát triển KTXH của tỉnh. Ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ cho các dự án đầu tư công có quy mô lớn quan trọng, khó có khả năng thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân cũng như sử dụng các nguồn vốn vay thương mại khác. Thực hiện công tác quản lý và hỗ trợ cho các dự án của các tổ chức NGO đang triển khai và chuẩn bị triển khai tại tỉnh; tăng cường quan hệ vận động các tổ chức NGO đến hoạt động tại Đắk Lắk. Đẩy mạnh thu hút các nguồn viện trợ phi chính phủ cho các chương trình, dự án về xoá đói giảm nghèo, y tế, giáo dục và dạy nghề, bảo vệ môi trường… Giai đoạn 2013-2017, phấn đấu mỗi năm thu hút trên 1,2 triệu USD vốn viện trợ NGO.
Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để tranh thủ các nguồn lực bên ngoài và mở rộng thị trường. Tích cực đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, hướng thu hút vào các dự án sản xuất kinh doanh mà Đắk Lắk có lợi thế so sánh, các dự án có sử dụng nhiều lao động và có công nghệ kỹ thuật tiên tiến, các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, các dự án có tác dụng chuyển dịch cơ cấu đầu tư tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực chế biến nông sản (cà phê, cao su, hạt tiêu…); phấn đấu giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm thu hút 3 triệu USD vốn đầu tư FDI.
Để đạt được kết quả như mong muốn, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành liên quan và các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện. Tỉnh cam kết sẽ đảm bảo sự ổn định, an toàn cho môi trường đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp, có kế hoạch cụ thể, khả thi để có nguồn nhân lực đủ mạnh đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư dài hạn, trung hạn và ngắn hạn; xác định các ngành nghề, lĩnh vực và đối tác cần tập trung kêu gọi đầu tư mang lại hiệu quả cao. Tăng cường và củng cố hoạt động đối ngoại nhân dân của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để hoạt động đối ngoại nhân dân cùng với hoạt động đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước, góp phần cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh nhà. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, bảo vệ môi trường. Tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của tỉnh trong vùng và cả nước ■
Nguyễn Việt Nhân
(Sở KH&ĐT Đắk Lắk)